Hiện nay các tình trạng bệnh ở vùng hậu môn trực tràng đang dần tăng lên, gặp khá nhiều ở những người trẻ tuổi. Vết nứt hậu môn là bệnh phổ biến thứ 3 sau bệnh trĩ và các bệnh nhiễm trùng vùng hậu môn trực tràng. Bệnh tuy không quá nguy hiểm tới sức khỏe nhưng gây khó chịu, đau đớn trong sinh hoạt.
Tổng quan về vết nứt hậu môn
Nứt hậu môn là tình trạng vết loét nông xuất hiện ở rìa hoặc ống hậu môn. Đi kèm với vết nứt hậu môn thường có búi trĩ và nhú phì đại. Quá trình tiến triển của vết nứt hậu môn gồm hai giai đoạn:
- Giai đoạn cấp tính: Vết thương là một vết rách nông, đầu to ở phía ngoài và đầu nhỏ ở phía trong, bờ thấp, đáy màu hồng.
- Giai đoạn mạn tính: Là giai đoạn tiếp theo của giai đoạn cấp tính. Hình ảnh thương tổn là một ổ loét sâu, đáy màu trắng và bờ nổi cao. Tổn thương khi bị nhiễm trùng sẽ có mủ và có thể được phủ bởi một u hạt viêm. Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời thì vết loét có thể nhanh chóng tiến triển thành áp xe hậu môn và rò rỉ hậu môn.
![Vết nứt hậu môn gây nguy hiểm như thế nào?](https://prestogel.vn/wp-content/uploads/2023/10/hinh-anh-vet-nut-hau-mon.jpg)
Nguyên nhân hình thành vết nứt ở hậu môn
Vết nứt hậu môn thường xuất hiện do một số nhóm nguyên nhân chính liên quan đến chấn thương vùng hậu môn sau:
- Táo bón kéo dài nhiều ngày.
- Nhịn đại tiện, phân bị khô, cứng, đại tiện khó khăn.
- Tiêu chảy kéo dài trong thời gian dài.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Đưa các vật lạ vào hậu môn.
Bên cạnh những nguyên nhân do chấn thương hậu môn, vết nứt còn có thể hình thành bởi một số nguyên nhân như:
- Sinh con.
- Lưu lượng máu đến hậu môn – trực tràng kém.
- Cơ vùng hậu môn ở trạng thái co cứng.
- Sẹo ở vùng hậu môn.
- Các vấn đề bệnh lý tiềm ẩn: viêm loét dạ dày – tá tràng, bệnh bạch cầu, bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua đường tình dục,…
Biểu hiện của tình trạng vết nứt hậu môn
Một số các triệu chứng của vết nứt hậu môn để phân biệt với các tình trạng bệnh khác liên quan đến hậu môn – trực tràng:
- Xuất hiện vết rách xung quanh vùng hậu môn trực tràng.
- Đau khi đi đại tiện, cơn đau có thể kéo dài vài phút đến vài ngày.
- Cục phân đầu tiên bị cứng.
- Chảy máu khi đi đại tiện.
- Nóng rát và ngứa hậu môn.
- Khối u nhỏ xuất hiện gần vết rách hậu môn.
![Vết nứt hậu môn gây nguy hiểm như thế nào?](https://prestogel.vn/wp-content/uploads/2023/10/tao-bon-nguyen-nhan-hinh-thanh-vet-nut-hau-mon.jpg)
Cách điều trị vết nứt hậu môn
Nứt kẽ hậu môn có thể được chẩn đoán bằng một số phương pháp như:
- Thăm khám lâm sàng: bác sĩ sẽ tiến hành hỏi thăm tiền sử bệnh, khám sức khỏe và kiểm tra vùng hậu môn để xác định sơ bộ loại và tình trạng bệnh.
- Tiến hành các xét nghiệm: nội soi hậu môn, nội soi đại tràng sigma bằng ống dẻo, nội soi đại tràng,… để xác định chính xác tình trạng bệnh.
Điều trị nứt kẽ hậu môn có hai phương pháp chính với mục tiêu là làm giảm áp lực lên ống hậu môn, làm mềm phân, hạn chế các triệu chứng như chảy máu, khó chịu, đau rát khi đi đại tiện,.. của bệnh nhân.
Sử dụng thuốc điều trị
Các loại thuốc được sử dụng với mục đích làm mềm phân, làm lành vết nứt, làm giảm trương lực cơ thắt hậu môn. Cụ thể một số loại thuốc hay được các bác sĩ chỉ định:
- Nitroglycerin: thuốc dạng bôi ngoài da, niêm mạc, tác dụng làm tăng lưu lượng máu đến vết nứt, thư giãn cơ vòng hậu môn, thúc đẩy quá trình làm lành vết nứt.
- Các loại kem gây tê tại chỗ (Lidocain Hydrochloride) có tác dụng làm giảm đau.
- Nifedipine dạng uống hoặc bôi: có tác dụng giãn cơ vòng, được sử dụng khi Nitroglycerin không hiệu quả hoặc gây ra tác dụng phụ đáng kể.
- Tiêm Botulinum toxin loại A (Botox): có tác dụng giảm đau do làm tê liệt cơ thắt hậu môn.
Phẫu thuật
Phương pháp này tiến hành khi các phương pháp điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả và tình trạng bệnh đã tiến triển sang giai đoạn mạn tính. Đây là một thủ thuật cắt bỏ một phần nhỏ cơ thắt hậu môn để giảm triệu chứng co thắt và đau nhức, thúc đẩy quá trình phục hồi vết nứt.
Một số nghiên cứu đã xác định rằng, phương pháp phẫu thuật là phương pháp mang lại hiệu quả tốt nhất trong điều trị vết nứt hậu môn, tuy nhiên phương pháp này có thể gây ra chứng tiểu không kiểm soát.
Một số lưu ý phòng bệnh vết nứt hậu môn
Để phòng tránh tình trạng nứt kẽ hậu môn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày, bạn cần chủ động thực hiện một số giải pháp sau đây để chủ động phòng ngừa ngay từ ban đầu.
- Chế độ ăn uống khoa học: bổ sung đầy đủ chất xơ, ăn nhiều các loại rau củ quả, lúa mì, yến mạch nguyên cám,…
- Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày.
- Tránh sử dụng các loại bia, rượu, cafe,…
- Tập thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, hạn chế tình trạng táo bón, tiêu chảy thường gặp.
- Không nên nhịn đại tiện quá lâu, ngồi bồn cầu quá lâu, giữ cho vùng hậu môn luôn sạch sẽ, khô ráo, sử dụng các loại giấy vệ sinh mềm, không có mùi thơm và các thành phần hóa học có hại.
- Điều trị sớm các bệnh lý có nguy cơ dẫn đến nứt kẽ hậu môn ngay khi có triệu chứng: tiêu chảy, táo bón,…
- Sử dụng thuốc nhuận tràng trong trường hợp táo bón quá nặng, các biện pháp thông thường không có hiệu quả.
Bài viết trên đã cho thấy cái nhìn tổng quan nhất về biểu hiện, nguyên nhân, cách điều trị cũng như phòng ngừa vết nứt hậu môn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn kịp thời.